EVN – Đánh giá Giải pháp Tiết kiệm điện – Sơn kính cách nhiệt
Chống nóng cho cửa kính bằng lớp phủ cách nhiệt đang dần trở thành xu thế mới cho các ngôi nhà hiện đại ngày nay. Giúp giảm tải truyền nhiệt, tiết kiệm điện cho ngôi nhà.
Sơn cách nhiệt là hợp chất ở thể lỏng từ hỗn hợp nhiều thành phần, trong đó chứa các chất tạo màng. Khi sơn một lớp mỏng lên bề mặt chuyển thành một màng cứng có độ dày 0,07 mm-0,1 mm. Có khả năng ngăn ngừa hấp thụ nhiệt, giảm ánh sáng chói, tia cực tím, tia hồng ngoại…
Lợi ích khi sử dụng sơn kính cách nhiệt
Ngăn tia cực tím và tia hồng ngoại có hại từ ánh sáng mặt trời
Tia cực tím là tác nhân chính gây nên nhiều bệnh về mắt và da. Đặc biệt nếu để da tiếp xúc nhiều với tia UV có thể gây tới ung thư da. Dưới tác động của tia UV còn làm bay màu, biến đổi tính chất, giảm tuổi thọ các đồ vật, bàn ghế, thiết bị điện tử, giường tủ, quần áo,…
Vào những ngày thời tiết nắng nóng, tia hồng ngoại là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ ngôi nhà. Khi ánh sáng chiếu trực tiếp qua kính có sử dụng phủ lớp cách nhiệt, 90- 95% tia hồng ngoại phản xạ ra môi trường.
Tiết kiệm điện năng
Khi sử dụng sơn kính cách nhiệt, sự chênh lệch bên trong và bên ngoài ngôi nhà từ 5-8°C, tạo môi trường “đông ấm – hè mát”. Giảm tải điều hòa trong những ngày nắng nóng, góp phần tiết kiệm điện hiệu quả cho ngôi nhà.
Góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính
Với những ưu điểm vượt trội trong xây dựng dân dụng, vật liệu kính được sử dụng phổ biến trong các ngôi nhà, chung cư, khu văn phòng cao tầng hiện đại, nhưng đó cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính. Giải pháp sơn cách nhiệt cho kính giảm tải truyền nhiệt, hạn chế tác động “ấm lên toàn cầu”.
Giữ nguyên thẩm mỹ của ngôi nhà
Sơn kính cách nhiệt không làm thay đổi màu, giữ độ trong suốt của kính, giữ nguyên thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Những lưu ý khi sử dụng sơn kính cách nhiệt
Để sơn kính cách nhiệt phát huy hiệu quả cần lưu ý:
– Phát huy tính chống nóng, cách nhiệt khi được phủ 2 lần trên bề mặt kính. Phủ cả mặt trước và sau kính vừa giúp chống nóng vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông.
– Làm sạch bề mặt kính, bề mặt càng sạch sự bám dính càng tốt, hiệu quả chống nóng, tuổi thọ càng cao.
– Sau 3 ngày, để độ cứng sơn cao nhất mới tiến hành vệ sinh. Khi làm sạch nên sử dụng nước sạch, nước rửa kính chuyên dụng, khăn mềm. Tránh sử dụng vật thô ráp, cứng lên bề mặt.
– Ở các vị trí góc khuất có thể sử dụng chổi quét. Khi sơn bị bong tróc ở điểm nhỏ, chỉ cần sơn lại bề mặt trên điểm đó. Lớp sơn cũ và mới dính vào nhau vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho kính.